Ghép câu trong tiếng Trung sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhớ cấu trúc và vận dụng chúng trong giao tiếp thực tế thuận lợi hơn. Nhưng ghép câu cũng cần có những quy tắc thì ngữ pháp câu nói tiếng Trung mới đúng đắn và dễ hiểu hơn. Hãy cùng học những quy tắc ghép câu trong Tiếng Trung sau nhé!
QUY TẮC 1: Thời gian và địa điểm luôn đặt trước hành động
Quy tắc này là sự khác biệt lớn nhất về trật tự câu nói giữa tiếng Trung và tiếng Việt.
Ví dụ, trong tiếng Việt chúng ta thường nói:
Tôi đi chạy bộ ở công viên vào lúc 7h sáng.
(Chủ ngữ + hành động + địa điểm + thời gian).
Vẫn câu đó, Người Trung Quốc sẽ nói là:
我早上七点在公园跑步。
Wǒ zǎoshang qī diǎn zài gōngyuán pǎobù.
(Tôi – 7h sáng – tại công viên – chạy bộ)
(Chủ ngữ + thời gian + địa điểm + hành động)
Nếu bỏ thời gian đi thì sẽ nói là:
我在公园跑步。/Wǒ zài gōngyuán pǎobù./
Tôi chạy bộ ở công viên.
Nếu bỏ địa điểm đi thì sẽ nói là:
我早上七点跑步。/Wǒ zǎoshang qī diǎn pǎobù./
Tôi chạy bộ lúc 7h sáng.
Vậy với quy tắc này, chúng ta có một trật tự nhất định bạn phải nhớ là:
THỜI GIAN + ĐỊA ĐIỂM + HÀNH ĐỘNG
QUY TẮC 2: Thời gian có thể đứng trước hoặc sau chủ ngữ
Trạng ngữ chỉ thời gian trong tiếng Trung luôn đứng trước trạng ngữ chỉ địa điểm và hành động. Nhưng nó có thể đứng trước hoặc sau chủ ngữ.
Ví dụ:
下个月我去中国。
Xià gè yuè wǒ qù zhōngguó.
Tháng sau tôi đi Trung Quốc.
Cũng có thể nói:
我下个月去中国。
Wǒ xià gè yuè qù zhōngguó.
QUY TẮC 3: Động từ năng nguyện đứng trước địa điểm
Các động từ năng nguyện là các động từ biểu thị khả năng, nguyện vọng, như: 要 (muốn, cần)、想(muốn)、能 (có thể)、可以 (có thể)、应该 (nên)、愿意 (bằng lòng)、希望 (hi vọng)、必须 (phải)、敢(dám)……
Các động từ năng nguyện luôn đứng trước địa điểm, ví dụ:
你不应该在这儿吸烟。
Nǐ bù yīng gāi zài zhèr xīyān.
Bạn không nên hút thuốc ở đây.
QUY TẮC 4: Động từ năng nguyện có thể đứng trước hoặc sau thời gian
Nếu động từ năng nguyện đứng trước thời gian, thì sẽ nhấn mạnh về khả năng và nguyện vọng. Ví dụ:
你应该早上七点起床。
Nǐ yīnggāi zǎoshang qī diǎn qǐchuáng.
Bạn nên thức dậy vào lúc 7h sáng.
Nếu động từ năng nguyện đứng sau thời gian, thì sẽ nhấn mạnh về thời gian. Ví dụ:
你早上七点应该起床。
Nǐ zǎoshang qī diǎn yīnggāi qǐchuáng.
7h sáng bạn nên thức dậy.
QUY TẮC 5: Cụm danh từ sắp xếp ngược lại so với tiếng Việt
Ở cụm danh từ trong tiếng Việt, danh từ chính sẽ đứng đầu tiên, tiếp theo đó mới để các thành phần bổ nghĩa cho danh từ.
Ví dụ: Cô ấy là cô gái xinh đẹp, thông minh.
Trong cụm danh từ trên: “cô gái” là danh từ chính, “xinh đẹp, thông minh” là phần bổ nghĩa cho danh từ “cô gái”.
Vẫn câu đó, khi nói bằng tiếng Trung thì trật tự từ sẽ đảo lộn lại:
她是个漂亮聪明的女孩儿。
Tā shì ge piàoliang cōngmíng de nǚháir.
Ở đây, chúng ta thấy, cô gái – “女孩儿 ” là danh từ chính lại đứng cuối cùng, còn xinh đẹp, thông minh – “漂亮聪明” là phần bổ nghĩa lại đứng trước danh từ chính. Phần bổ nghĩa này trong tiếng Trung được gọi là định ngữ.
Thêm một ví dụ nữa để các bạn rõ hơn nhé:
Tiếng Việt nói:
Đây là hoa mà anh ấy mua.
Tiếng Trung nói:
这是他买的花。
Zhè shì tā mǎi de huā.
Vậy, ta có quy tắc đối với cụm danh từ trong tiếng Trung như sau:
Định ngữ + 的 + Danh từ trung tâm
QUY TẮC 6: Cách đặt câu hỏi – đại từ nghi vấn đặt ở vị trí tương ứng
Khi bạn muốn đặt câu hỏi về thông tin gì (chủ thể, thời gian, địa điểm, hành động…) thì chỉ việc thay đại từ nghi vấn thích hợp vào vị trí đó.
Lấy một ví dụ để các bạn dễ hiểu hơn nha! Ví dụ mình có câu sau:
Ngày mai cậu ấy học tiếng Trung ở trường.
明天他在学校学习汉语。
Míngtiān tā zài xuéxiào xuéxí Hànyǔ.
Muốn hỏi về thời gian:
Bao giờ cậu ấy học tiếng Trung ở trường?
什么时候他在学校学习汉语?
Muốn hỏi về chủ thể:
Ngày mai ai học tiếng Trung ở trường?
明天谁在学校学习汉语?
Muốn hỏi về địa điểm:
Ngày mai cậu ấy học tiếng Trung ở đâu?
明天他在哪儿学习汉语?
Muốn hỏi về hành động:
Ngày mai cậu ấy làm gì ở trường?
明天他在学校做什么?
Muốn hỏi về tân ngữ của hành động:
Ngày mai cậu ấy học gì ở trường?
明天他在学校学习什么?
Như vậy, khi đặt câu hỏi, chúng ta chỉ cần thay đại tự nghi vấn thích hợp và vị trí thông tin cần trả lời là được rồi! Rất giống với tiếng Việt đúng không nào?
QUY TẮC 7: Cấu trúc có giới từ ngược lại so với tiếng Việt.
Quy tắc cuối cùng về trật tự câu trong tiếng Trung đó là quy tắc trật tự giữa kết cấu giới từ và động từ.
Trong tiếng Việt, chúng ta thường nói động từ trước, rồi mới đến giới từ và cuối cùng mới là tân ngữ. Ví dụ:
Anh ấy tặng cho tôi một bó hoa.
Trong tiếng Việt, chúng ta thấy động từ “tặng” đứng trước, rồi đến giới từ “cho”, cuối cùng mới đến tân ngữ “tôi”. Trong tiếng Trung, trật tự này sẽ đảo ngược lại:
他给我送一束花。
Tā gěi wǒ sòng yí shù huā.
Như vậy chúng ta thấy, trong tiếng Trung kết cấu “giới từ + tân ngữ” sẽ đứng trước động từ.
Giới từ + tân ngữ chịu tác động + động từ
Với 7 quy tắc trên, các bạn đã nhớ rõ hết chưa? Hãy vận dụng chúng vào trong giao tiếp của các bạn để nhớ lâu hơn nhé! Chúc các bạn sớm thành công trên con đường chinh phục tiếng Trung nhé!
Tham khảo
***BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM***
0 comments:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã đóng góp nhận xét vào bài viết!