Phố cổ Hội An không chỉ là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng, mang tầm vóc khu vực và nổi tiếng thế giới. Nơi hấp dẫn du khách bằng những con phố cổ đẹp ngất ngây lòng người, con người miền Trung đậm chất nghĩa tình mà còn là nơi ẩn chứa một nền ẩm thực từ lâu đời vô cùng phong phú. Qua bài viết này tôi mong muốn sẽ đưa tới cho các bạn những quán ăn ngon nhất trong số những quán ăn giữa lòng phố Hội.
Đây là lần thứ hai tôi quay trở lại nơi đây, từ trung tâm thành phố Đà Nẵng để tới Hội An mất khoảng tầm 1 tiếng đi xe máy. Khoảng cách 32 km thêm phần xa xôi hơn vì cơn mưa đầu mùa xối xả không ngớt, nhưng không vì thế mà chúng tôi nản lòng, tôi và bạn đồng hành cùng mặc áo mưa và quyết trải nghiệm cảm giác phượt trong mưa là như thế nào.
Cung đường từ Đà Nẵng tới Hội An các bạn có thể tìm rất dễ, đi thẳng đường Nguyễn Văn Linh qua cầu Rồng, rẽ phải qua biển bạn cứ đi một mạch thẳng tiến tới Hội An mà không hề gặp khó khăn gì. Bạn đừng ngại ngùng khi hỏi người dân nơi đây nhé, họ không những nhiệt tình và hiếu khách bên cạnh đó còn rất niềm nở đón chào những khách du lịch từ nơi khác đến.
Khi đến với những thành phố mới lạ, đối với những vị khách lữ hành như chúng tôi thì điều tôi quan tâm nhất khi tới Hội An, không chỉ là những địa điểm du lịch trang nghiêm như Chùa Cầu mang đậm chất lịch sử Việt – Nhật, các hội quán bảo tàng di tích lịch sử, hay là điệu hát múa bài chòi vang lên trên sông Hoài da diết... Bên cạnh đó, một trong những lí do khiến mọi khách thập phương đều quay trở lại khi tới nơi đây đó chính là nền ẩm thực văn hóa lâu đời đã hình thành ven bờ sông Hoài này.
Nếu tới Hội An đừng quên ghé quán: Bánh Mì Phượng nổi tiếng nơi đây nhé. Quán khá đông, mặc dù tôi đã tới từ rất sớm nhưng lúc đợi xếp hàng để cầm được ổ bánh mì trên tay quả không phải đơn giản đủ để nói lên được sự hấp dẫn của món ăn này được chế biến ngon thế nào ở tại quán. Có rất nhiều loại nhân khác nhau như: Tỏi, bánh mì thập cẩm, phomat và hành tây, xúc xích nướng, gà... Có một điều kỳ lạ là quán làm rất nhiều loại nhân bánh nhưng vị nhân nào cũng rất ngon. Tôi cảm thấy vị ngon nhất chắc là bánh mì thịt nướng và gà xé. Không những thế vị ba tê ở đây cũng ngon không kém. Tôi đã ăn nhiều loại ba tê ở Dak Lak và Sài Gòn nhưng vị ở đây có một cái gì đó khác hẳn. Đó chính là vị tương của người dân nơi đây. Họ sử dụng rất nhiều ớt nhưng không hề cay trái lại còn có vị ngọt và thơm đặc trưng của người dân miền Trung.Các bạn hãy thử đến và cảm nhận nhé. Giá của ổ bánh mì trung bình 25.000 đồng.
Địa chỉ quán Bánh Mì Phượng: 2B Phan Châu Trinh, Minh An, TP. Hội An, Quảng Nam.
Ăn bánh mì rồi thì sẽ rất khát đúng không? Thông thường thì tôi cũng đi loanh quanh ở đây tìm chỗ quán nước uống hay ở trong một quán cafe để nghỉ ngơi nhưng khi ở Hội An thì tôi lại chọn điểm đến quen thuộc đó chính là quán Mót Sả Chanh. Chỉ với 10 ngàn đồng bỏ ra đã có một cốc nước chanh quyện cùng hương vị sả. Thoạt nhìn thì cốc nước này cũng bình thường thôi nhưng chủ quán đã tinh tế khi sử dụng 1 chiếc lá trà đi kèm với 1 cánh hoa sen đi kèm trong cốc. Cảm giác như cả sông nước Hội An cũng như tấm lòng của họ hòa quyện tất cả vào trong từng giọt nước hệt như tấm chân tình của họ vậy. Bạn nào chưa tới đây bao giờ hãy nên ghé quán thử một lần cho biết nhé!
Địa chỉ quán Mót Sả Chanh: 150 Trần Phú.
Cả một bầu trời ký ức trong ẩm thực phố Hội
Dạo quanh một vòng Hội An, không chỉ ẩm thực về các món nướng, món chính đa dạng mà nơi đây cũng là nơi cất dấu một bí mật của tuổi thơ mà chỉ người dân nơi đây mới biết rõ đó chính là kem ống (hay kem que). Vì sao tôi lại nói như vậy, bởi vì cuộc sống hiện đại trong từng ngày một, nhiều món ăn thức uống ngon bổ dưỡng từ lúc xưa đã mất dần. Hình ảnh chú bán kem trên tay cầm chiếc chuông mỗi trưa cứ lắc “leng keng, leng keng” là cả đám con nít chúng tôi lại chạy ra kiếm lông gà, bịch ni lông đựng đồ nhựa để đổi lấy kem của chú. Hình ảnh ấy đã biến mất từ lâu nay gặp lại như “cỏ đón giêng hai, như chim én gặp mùa”. Tất cả ky ức của tuổi thơ trở về nơi đây, tại thành phố Hội An này, nhấm nháp vị kem từng chút, từng chút một... Tất cả vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Vị của kem khá đa dạng: Có vị chanh, dâu, sầu riêng... Chỉ có một điều khác là giá của kem theo năm tháng thêm đôi chút vì còn bán để kinh doanh mà nhưng vẫn rất hạt dẻ ( 5 ngàn đồng/ cái).
Địa chỉ Kem ống: Đường Nguyễn Hoàng, Hội An.
Trên con đường ẩm thực cạnh con đường Nguyễn Hoàng thì ngay cạnh chợ chính cũng có một thứ quà quê ngon không kém đó chính là món bánh cầu vồng ( hay còn gọi là bánh da lợn) vì bánh được những người dân nơi đây phỏng theo màu sắc của cầu vồng, bảy sắc màu xanh, lục, lam, chàm, tím, vàng… khiến chiếc bánh trở nên vô cùng bắt mắt và thêm phần hấp dẫn.
Cũng như cái tên bánh cầu vồng: Rất đẹp nhưng cũng rất “mong manh dễ vỡ” vì cầu vồng tồn tại chỉ trong khoảnh khắc nhưng vị dai của bánh tan chảy trong miệng cùng vị ngọt không quá gắt từ đường mía sẽ khiến cho vị thực khách nào thử rồi sẽ lưu luyến mà quay trở lại lần nữa. Cầu vồng nhưng dư âm hương vị của nó vẫn lan tỏa đi xa dù ở nơi đâu cũng quay trở về.
Địa chỉ: Bánh cầu vồng – giá 2000 đồng cạnh chợ Hội An
Tuổi thơ của ông cha ta vốn nghèo khó, thời còn đánh pháp chống mĩ vừa chạy giặc lại vừa phải kiếm cái ăn nuôi gia đình điều đó lại trở nên vô cùng khó khăn. Chính vì vậy mà ông cha ta đã sáng tạo ra những món ăn dân dã nhưng lại vô cùng bổ dưỡng mà lạ miệng. Đúng rồi. Nếu bạn đọc tới đây thì bạn hẳn sẽ không quên món sắn chứ? Vốn là một trong những loài cây lương thực gắn bó trong bữa ăn, mỗi miền đều có cách chế biến riêng. Khi tới miền trung qua tay những người dân xứ Quảng. Vẻ đẹp của cái bánh khi cầm trên tay đã khiến ta sôi bụng vì vẻ ngoài bắt mắt: Chiếc bánh được ép dẻo sau đó lăn bột sau đó đem chưng cách thủy cuối cùng đưa ra đĩa rắc thêm dừa thái sợi đi kèm ít đậu phộng ( lạc) giã nhỏ thêm đường và một ít muối. Chính hương vị đó, hương vị của chiếc bánh sắn đập có vị đặc trưng riêng khiến ai đã từng thử qua ít nhất một lần sẽ nhớ mãi. Đến Hội An bạn đừng quên ghé thăm và nếm thử món ăn tràn đầy ký ức này, bạn nhé.
Địa chỉ: chợ Hội An – giá 5000 đồng.
Món cuối cùng tôi xin được giới thiệu trong bài viết lần này đó chính là Cao Lầu. Cũng giống như món phở khi tới Hà Nội thì Cao Lầu là một món ăn đặc trưng làm nên chất riêng tạo nên cái hồn của phố Hội. Cũng chính vì vậy mà người dân nơi đây đã có câu:
Tiếng đồn mì quảng Phú Chiêm
Cao lầu phố Hội, mắm nêm Cẩm Hà
Tam kỳ có món cơm gà
Nam Ô nước mắm đậm đà thơm ngon
Thuở xưa thời còn phong kiến, tầng lớp giàu nghèo vốn dĩ được phân hóa rất rõ rang. Họ cho rằng người giàu và người nghèo không được ngồi ăn cùng nhau và không cùng đẳng cấp và địa vị. Chính vì vậy mà những quán ăn cho xây lên những lầu cao, tầng dưới cho nông dân hay những người có thu nhập thấp, tầng cao cho những thương gia hay quan lớn đại diện cho tầng lớp giàu có ăn những món cao lương mĩ vị mà dân thường không thể nhìn thấy ăn được. Dần dần, người dân quen đọc nhanh trở thành tên một món ăn đó chính là cao lầu. Khi ăn cao lầu thì thoạt nhìn ta cũng thấy hình thức khá giống sợi mì quảng nhưng hương vị rất khác biệt tạo nên nét riêng cho món ăn. Điểm nhấn của món ăn này đó chính là miếng thịt lợn mà người dân còn gọi là thịt xíu làm từ đùi của lợn quê ướp tẩm gia vị đều đem chiên vàng nhưng đầu bếp không quên giữ lại nước từ thịt chảy ra, đó cũng chính là nước dùng đặc biệt làm nên màu của món ăn. Bạn đừng quên thử miếng da lợn chiên dòn đi kèm nhé, vị giòn của da lợn kèm với vị ngọt của thịt và nước dùng ăn kèm rau sống khiến thực khách mê mẩn đủ sức để có thể dạo bước trên mọi con phố của phố Hội.
Địa chỉ: Đường Hai Bà Trưng.
Những quán ăn chúng tôi vừa chia sẻ ở trên chỉ là một trong số những quán ăn nổi tiếng ở Hội An. Hãy tới và trải nghiệm và cùng chúng tôi góp thêm vào danh sách cẩm nang du lịch cho bạn. Hãy ủng hộ những bài viết của chúng tôi trong những kỳ sắp tới nhé, hi vọng bạn sẽ cùng tôi luôn đồng hành trên mọi nơi.
Văn Tuấn
***BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM***
0 comments:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã đóng góp nhận xét vào bài viết!