Tất cả chúng ta ít nhất một vài lần trong ngày phải soi gương. Soi gương là nhu cầu để xem, để nhìn ngắm thân thể, diện mạo của mình trong gương. Đó là nhu cầu để biết mình sẽ thế nào trong mắt người đối diện như một phép lịch sự tốt thiểu để giao tiếp với mọi người. Không thể để đầu tóc rối bù, mặt mày lấm lem, quần áo xộc xệch mà nói chuyện với mọi người; đó là không tế nhị, không tôn trọng người đối diện. Mỗi người trong chúng ta dù ít hay nhiều đều có ý thức về ngoại hình của mình, đều muốn chỉnh chu nhất có thể khi đứng trước mặt người khác như một điều tất yếu hiển nhiên.
Nhưng đôi khi chúng ta chỉ chăm chút vẻ bền ngoài, chải chuốt ngoại hình, tóc tai mà quên đi việc tâm hồn bên trong mình đôi khi cũng cần tô đẹp và vuốt ve nó; nhiều người còn xem đó là chuyện không bình thường; nhiều người có những lúc còn quên đi, xem nhẹ chính tâm hồn của mình. Thế nên, tâm hồn chẳng buồn chưng diện, nó cứ thể héo mòn, xơ xác mà người ta cũng chẳng quan tâm mà lấy ra đánh bóng, vuốt ve nó, vì nhiều người vẫn xem trọng vẻ bên ngoài, xem trọng cách mà mọi người nhìn mình, đánh giá mình, hay vị trí của mình trong mắt mọi người hơn là chính nội tâm bên trong của mình do chính bản thân mình cảm nhận.
Có những ngày, tâm hồn héo úa, rệu rã đến đáng thương, lúc đó bản thân chẳng còn có hứng thú, chẳng buồn mà chăm sóc bản thân mình. Lúc đó có tô son cũng chẳng thấy đẹp, có makeup cũng chẳng thấy ưa, hay đầu tóc ra sao cũng mặc kệ nó; chỉ muốn nằm dài trên giường với tâm tư rối bời. Lúc đó, khi cảm xúc đã lên cao đến mức rối rắm, xơ xác thì ta chẳng còn muốn chưng diện, chẳng còn quan tâm ánh mắt của mọi người nhìn ta ra sao, họ muốn nhìn như thế nào đó là quyền của họ, ta không quan tâm. Những buồn vui trong tâm hồn chi phối rất lớn đến cuộc sống của ta, đến hành động của bản thân. Có những ngày, đến bản thân mình cũng cảm thấy cạn kiệt cảm xúc; những hào nhoáng bên ngoài trở nên sáo rỗng; cảm xúc trở nên rẻ rúng, ta cảm thấy đến tâm hồn mình cũng thật xấu xí. Đáng sợ hơn là khi ta tự soi ngẫm tâm hồn mình, ta giật mình phát hiện ra nó héo hon, hốc hác đến đáng thương bị những tấp nập, xô bồ cùng cuộc đời, bị những tranh đoạt, toan tính của lòng người, bị những hời hợt vô tâm của bản thân hay những bon chen, mỏi mệt của xã hội làm cho vấy bẩn. Ta thấy mình trở nên chai sạn với mọi thứ, giật mình nhận ra cuối cùng chính tâm hồn mình mới là thứ cần nâng niu trước nhất; chính cảm xúc của mình mới là thứ mình cần trân trọng, vuốt ve, tô vẽ cho nó hơn bao giờ hết. Vì vẻ ngoài xơ xác, hốc hác, tiều tụy có thể chải chuốt, chăm chút lại trở nên tươi đẹp nhưng bản thân tâm hồn một khi đã rệu rã, đã cạn kiệt thì lúc đó nó trở nên vô cảm trước mọi thứ; lúc đó dù ta có muốn vun đắp bao nhiêu, trang trí đẹp đẽ bao nhiêu, hay vỗ về bao nhiêu thì nó cũng khó mà khá hơn được. Đó là chưa kể khi bạn vô tâm với nó một thời gian dài, thì có thể sau này bạn sẽ thản thốt nhận ra mình trở nên xa lạ với chính mình, trở nên dửng dưng với chính con người của mình.
Vì vậy, việc chăm chút cho vẻ ngoài của mình đó là một điều đáng khen, nên làm; vì dù gì trong xã hội bây giờ, ngoại hình vẫn là thứ được người ta coi trọng ở một khía cạnh nào đó nhưng đừng vì thế mà bỏ rơi chính nội tâm bên trong mình. Vì cuối cùng, thứ đọng lại chân thành, nguyên vẹn và khẳng định vị trí của bạn là chính tâm hồn bạn.
Tố Uyên
Tố Uyên
***BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM***
0 comments:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã đóng góp nhận xét vào bài viết!