Tất cả mọi người đều muốn có hạnh phúc, và tất nhiên là có luôn cả thành công. Và mỗi người đều có những định nghĩa cá nhân riêng về hai khái niệm này, nhưng chung quy đều muốn chúng sẽ dẫn dắt cuộc sống tránh xa căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, abcxyz những thứ không mong muốn xảy ra cho bản thân và hệ sinh thái của mình; đồng thời đem lại những kết quả tốt trong những lĩnh vực nhất định.
Có một công thức chung được mặc định trong xã hội hiện nay, đó là cố gắng học tập, ra trường, lấy bằng cấp, cố gắng làm việc, kiếm được tiền, có địa vị,… rồi thành công sẽ chờ ta ở cuối đoạn đường ấy, và được xem là hạnh phúc. Vì lẽ đó, đa số mọi người đều xem thành công và hạnh phúc là hai từ đồng nghĩa.
Thật sự dễ dàng nhìn thấy rằng vào một ngày đẹp trời nào đó, khi đã đạt được những mục tiêu mà bản thân đã đề ra thì bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc. Điều này đúng không? Đúng chứ. Thậm chí nó còn là điều thật sự hấp dãn cho đích đến của thành công. Nhưng cơ bản, tư duy này còn đang thiếu sót. Chúng ta đã quên đi một đặc tính cố hữu của nhân loại, đó chính là “cả thèm chóng chán”. Một số nghiên cứu cho thấy rằng thời gian chúng ta cảm thấy hạnh phúc của chúng ta khi đạt được một mục tiêu dữ dội nào đó vào khoảng năm đến bảy tháng, trước khi chúng trở nên bình thường và chúng ta lại ao ước có được một cái gì tương tự nhưng tốt hơn. Thế là chúng ta lại tiếp tục cuộc đua mới, hiệp hai lại bắt đầu vì chúng ta tin rằng nó thật sự sẽ mang lại hạnh phúc. Trên thực tế, nhân loại cũng đã chứng kiến biết bao con người thành công, giàu có, nổi tiếng như Chester Bennington của nhóm nhạc Linkin Park, Chris Cornell của Soundgarden,… nhưng lại bị trầm cảm đến nỗi phải tìm đến phương án cuối cùng: cái chết!
Thế nên, nếu chúng ta cứ tiếp tục rượt đuổi những thành công để mang lại hạnh phúc, nói một cách tương đối, chỉ là sự ngộ nhận. Đó thật sự là cái bẫy ngọt ngào của thành công, nó cũng sẽ mang lại cho chúng ta cảm xúc hạnh phúc, nhưng trong ngắn hạn; nhưng đồng thời, cái bẫy ấy bắt chúng ta phải ganh đua, bon chen, vắt kiệt sức cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta.
Theo chia sẻ của Brian Wong, chàng trai trẻ 27 đầy nhiệt huyết, CEO của ứng dụng di động Kiip – top 50 công ty quảng cáo trực tuyến sáng tạo nhất theo bình chọn của Forbes, nếu bạn có nhiều lựa chọn trong một vấn đề, bạn sẽ không còn mắc kẹt nữa, thay vào đó bạn sẽ có những trải nghiệm đa dạng những cách giải quyết khác nhau, thì khi đó bạn sẽ có được thành công thật sự. Còn hạnh phúc là sự kết hợp hài hòa giữa bên trong và bên ngoài cá thể. Có nghĩa là sự hài lòng với chính cuộc sống của bạn, cảm thấy bình an với chính bản thân bạn, với tính hình hiện tại của bạn. Còn những yếu tố bên ngoài là sự tự tin với những mối quan hệ xung quanh, bạn bè và người thân; họ sẽ giúp bạn đứng lên khi bạn chán nản bằng những lời khuyên và hành động đầy ý nghĩa và thiết thực.
Hay nói cách khác, hạnh phúc mới là đích đến, thành công là phương tiện để đi đến hạnh phúc thật sự.
Shawn Achor, giảng viên ưu tú của đại học Harvard đã khẳng định , chính hạnh phúc giúp chúng ta thành công hơn. Những người hạnh phúc luôn có sức khỏe tốt hơn, tâm lý tốt hơn và làm việc hiệu quả hơn. Hạnh phúc không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, hạnh phúc nằm trong tay chúng ta. Có hạnh phúc, chúng ta có thể tìm được sự bình an trong tâm hồn, sẵn sàng đón nhận được mất, thành bại trong cuộc sống khi đã cố gắng hết mình. Nói cách khác, hạnh phúc chính là cách nhìn nhận cuộc sống, là sự lựa chọn thái độ sống, là tầm nhìn đa chiều có thể nhìn nhận những mặt tích cực của cuộc sống, nhìn thấy cơ hội trong khó khăn thử thách.
Khi nhìn ra ý nghĩa của cả hai điều đối với chúng ta, thì chúng ta đã đi trước một bước. Tuy nhiên, cần phải tạo nên hành động và thói quen để giúp bạn đạt được điều này. Đó cũng là lý do ngày hôm nay, bài viết này hiện ra trước mặt bạn. Nhìn chung, có 7 chìa khóa quan trọng để hạnh phúc và thành công sẽ hiện hữu trong cuộc đời bạn.
1. LÒNG BIẾT ƠN
Hạnh phúc và thành công được tạo nên trước hết bởi lòng biết ơn, chúng ta cần phải hạnh phúc để thành công hơn là ngược lại. Biết ơn không chỉ là nói cảm ơn với một ai khác, mà còn là thừa nhận chúng ta đang sống trong mối quan hệ liên kết, hợp tác. Thực tế cho thấy rằng những người thành công vang dội đều có quá khứ không đầy đủ, nên trên con đường khởi nghiệp của họ, lòng biết ơn như một hành trang tinh thần như một sự so sánh giữa hiện tại và quá khứ, giúp họ không nản lòng trước những điều khó khăn nhất.
Để tạo thói quen biết ơn, lấy một mảnh giấy và ghi ra mọi thứ bạn biết ơn trong cuộc sống của bạn. Làm điều đó 15 phút mỗi ngày, và chắc chắn rằng hãy viết nó ra thay vì tưởng tượng. Vì sao? Vì điều này sẽ đặt ra một chuỗi các lệnh cho tế bào thần kinh, giúp “dán” những điều này vào não, điều này sẽ rất hiệu quả đấy.
2. GIÁ TRỊ CỦA HIỆN TẠI
Không có gì vớ vẩn giống như bị cuốn vào quá khứ hay lo lắng về tương lai thay vì đánh giá hiện tại. Vậy tại sao hiện tại là chìa khóa cho hạnh phúc và thành công? Vâng, tương tự lòng biết ơn, chúng ta nên dừng lại để đánh giá cao những điều tốt đẹp theo mọi hướng chúng ta nhìn và cuộc hành trình mà ta gọi là cuộc sống. Nó giúp chúng ta vượt qua những hối tiếc của ngày hôm qua và nỗi sợ hãi ngày mai.
3. QUẢN LÝ THỜI GIAN HIỆU QUẢ
Có một thói quen ảnh hưởng rất lớn đến cả hạnh phúc và thành công của chúng ta trong cuộc sống, đó chính là khả năng quản lý thời gian hiệu quả. Những người có khả năng quản lý thời gian hiệu quả có thể hoàn thành hầu hết tất cả các chuỗi công việc và nghĩa vụ của họ trong cuộc sống. Họ tập trung vào các mục tiêu dài hạn và hoàn thành thứ tự các mục tiêu dựa trên chi phí và lợi ích mà mục tiêu đó mang lại. Do đó, họ có thể làm việc với năng suất cao, có thể tạo ra ý tưởng sáng tạo và hoàn thành deadline đúng hạn.
( Quản lý thời gian tốt giúp công việc hiệu quả hơn)
Khi không quản lý thời gian hiệu quả, cảm xúc chúng ta dễ xảy ra tình trạng tiêu cực như căng thẳng, sợ hãi, lo lắng. Chúng ta dễ bị cuốn vào vòng xoáy rối loạn công việc để giải quyết những căng thẳng trong cuộc sống mà quên đi các mục tiêu dài hạn có thể tạo ra giá trị to lớn trong tương lai, đồng thời có xu hướng trì hoãn công việc, dễ dàng bị xã hội hóa quá mức. Và có một việc ai cũng biết, nó lấy đi hầu hết thời gian của chúng ta, biến chúng ta thành những “thây ma “ thực sự, vâng, chính là smart phone. “Những kẻ cắp thời gian” này lấy đi thời gian và những khoảnh khắc quý giá từ những mục tiêu về hạnh phúc và thành công của chúng ta. Đổi lại, chúng ta chán chường, cảm thấy không hạnh phúc vì những thứ thật sự muốn trong cuộc sống không được thỏa mãn.
Một điều công bằng lớn nhất trong cuộc sống này, chính là tất cả mọi người đều có chung một khoảng thời gian, 24 giờ một ngày, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, vị trí địa lý,…
Do vậy, không phải do chúng ta có nhiều thời gian hơn người khác để sinh ra nhiều bất hạnh hay tạo ra rào cản đối với mục tiêu của chúng ta, mà đó là cách chúng ta đối xử với thời gian quý báu của chúng ta ra sao, kiểm soát nó hợp lý như thế nào.
Hãy nhiệt tình tìm kiếm một hệ thống giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả phù hợp với bạn trước khi cuộc sống knock-out bạn nhé.
4. ĐẶT MỤC TIÊU THÔNG MINH VÀ HỢP LÝ (S.M.A.R.T.E.R):
Chắc chắn rằng bạn đã từng đặt mục tiêu trong quá khứ, và cũng đã từ bỏ nó. Bình tĩnh, tất cả chúng ta đều có! Nhưng đó là do quá trình thiết lập mục tiêu đã bị cản trở. Thông thường, những gì chúng ta không đạt được mục tiêu trong cuộc sống, là do thiết lập không đúng cách. Giống như thực hiện Lòng Biết Ơn, khi chúng ta đặt mục tiêu thụ động, tức là không đặt ra trên giấy, cũng không xác định chi tiết và lập kế hoạch, chúng ta có xu hướng thất bại và từ bỏ. Hãy lấy giấy viết ra và bắt đầu, sẽ không hiện thực hóa được nếu như kế hoạch không từ trực quan sinh động đi đến tư duy trừu tượng. Hãy viết ra câu trả lời của câu hỏi :” Bạn muốn gì?”, thật sự chi tiết. Đừng nói chung chung là bạn muốn vài trăm triệu, vài tỷ hay muốn giảm cân. Nói chính xác số lượng, kèm theo thời gian cụ thể cho mục tiêu đó, miễn là bạn có một số động lực lớn đằng sau mục tiêu ấy. Tôi không ngăn cản những điều cao cả, nhưng có lẽ bạn cũng không muốn tạo ra thất vọng bằng cách đặt ra cho mình những mục tiêu hời hợt hay quá sức như muốn có vài trăm tỷ trong 1 năm, đặc biệt là bạn đang nợ rất nhiều.
Sau đây là 7 tiêu chí cho cách đặt mục tiêu đúng cách:
S(specific): cụ thể
M (measurable): đo được
A (achievable): khả thi
R (relevant): liên quan
T (time bound): có thời hạn
E (evaluate): đánh giá
R (re-adjust): điều chỉnh
5. QUYỀN NĂNG CỦA BUỔI SÁNG
Chúng ta là những sinh vật của thói quen và trong đấy có những thói quen không nhất thiết là những “người cộng sự tốt”, nhất là vào buổi sáng, thời gian mở màn cho hành trình 24 tiếng tiếp theo. Những gì bạn làm vào buổi sáng sẽ đặt tốc độ cho phần còn lại của ngày hôm nay. Và đơn giản bằng cách dậy sớm, bạn sẽ đủ thời gian để giải quyết các thói quen tốt – những thói quen cần được truyền tải vào đầu ngày vì đó là khi tâm trí chúng ta rất tươi mới và trong trẻo. Thức dậy sớm, ăn sáng lành mạnh, tập luyện trong 20 phút, viết ra các mục tiêu trong ngày,… Chú ý đừng sống trung lập, hãy nắm lấy dây cương và giành quyền kiểm soát tâm trí. Bằng sự cố gắng này, thói quen tốt sẽ giúp trao quyền cho cuộc sống của bạn thay vì cản trở nó.
Tóm lại, sự kết hợp đúng đắn của thói quen tốt được thực hiện vào hai đầu mút của một ngày làm việc có thể tạo ra tất cả sự khác biệt. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang chuẩn bị cho sự thành công và hạnh phúc.
6. TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG NHẤT TRONG NGÀY (M.I.T)
MIT (Most Important Task), hay còn gọi là nhiệm vụ quan trọng nhất trong ngày, là một phần không thể thiếu trong thành công. MIT còn là chìa khóa để đạt được mục tiêu dài hạn trong cuộc sống. Và vấn đề lớn nhất, những nhiệm vụ quan trọng này sẽ không bị bỏ sót qua đêm – thời gian mà hầu hết mọi người cảm thấy thất vọng với mọi thứ, mà sẽ được đuổi theo vào buổi sáng – cũng là lúc con người có năng lượng dồi dào nhất và có thể đạt được năng suất cao nhất trong ngày.
Cách thực hiện đơn giản là lập danh sách vào đêm trước MIT, và chắc chắn rằng bạn sẽ nhận được danh sách ấy vào ngày hôm sau ở nơi dễ thấy nhất của bạn, chứ không phải trên đường đi.
7. SỨC KHOẺ VỀ THỂ XÁC LẪN TINH THẦN
Sức khỏe là một trong những diễn biến quan trọng nhất của hàm số hạnh phúc – thành công. Khi ăn quá nhiều, uống quá “hớp”, lạm dụng các chất hóa học, và những thứ tương tự, chẳng những tác động xấu đến cơ thể, mà còn đến tinh thần của chúng ta. Đồng thời bạn phải đảm bảo bạn đang đặt đúng thứ vào trong cơ thể, như protein nạc giảm calo hấp thụ, đồ uống không cồn và không ga, thực phẩm ít béo,…tất tần tật những gì cho vào cơ thể, dù rắn, lỏng, hay…khí!
Trọng tâm tổng thể phải là về sức khỏe, một ngày bắt đầu và kết thúc cũng phải khỏe mạnh. Con người thường có xu hướng không coi trọng sức khỏe cho đến khi đau bệnh. Về tinh thần cũng vậy, chúng ta nên tham gia một lớp Yoga, Gym hay một môn thể thao, một chế độ tập thể dục để có thể “add-nick” thói quen lành mạnh vào cuộc sống. Điều này thật sự không dễ dàng. Một nghiên cứu cho thấy cần từ 50 đến 300 ngày để hình thành thói quen. Vì vậy, cho dù bạn đang cố gắng tạo nên thói quen tốt, nó sẽ cần thời gian để thích ứng. Đừng nản lòng nếu nó không xảy ra ngay lập tức
Vậy nên, bạn hãy để hạnh phúc là nền tảng, là động lực, là khởi nguồn giúp bạn gặt hái được nhiều mục tiêu lớn trong cuộc đời. Đó là "bí quyết" mà Cuộc sống giản đơn 123 chia sẻ để bạn có một cuộc sống thật sự thành công
***BÀI VIẾT ĐƯỢC QUAN TÂM***
0 comments:
Đăng nhận xét
Cảm ơn bạn đã đóng góp nhận xét vào bài viết!